‘Thám tử’ truy lùng người nhiễm nCoV

44

Bảo Nghi, sinh viên ĐH Y tế Công cộng, được cung cấp một danh sách tên người, hộ chiếu, số ghế và số điện thoại, với nhiệm vụ ‘truy tìm’ dấu vết của Covid-19.

Trần Đỗ Bảo Nghi có nhiệm vụ gọi điện thông báo đến du khách đi cùng chuyến bay với người nhiễm nCoV để đưa ra những khuyến cáo cho họ. Ảnh: NVCC.

Một buổi sáng thứ bảy, Trần Đỗ Bảo Nghi dậy sớm hơn mọi ngày. Với tay lấy chiếc điện thoại, cô đọc được tin nhắn đến từ thầy chủ nhiệm, kêu gọi các bạn tham gia vào Tổ công tác phòng chống Covid-19 của Bộ Y tế. Không chút đắn đo, Nghi điền tên mình vào mẫu đăng ký.

Chưa đầy một tiếng sau, Nghi cùng 20 sinh viên khác của Đại học Y tế Công cộng lên đường. Trong tâm trạng háo hức, cô sinh viên năm 3 vẫn chưa thể hình dung được công việc sắp tới của mình là gì. Nhưng điều đó không quan trọng.

Ngay buổi sáng hôm ấy, Nghi lần đầu được vào bên trong trụ sở Bộ Y tế, chăm chú ngồi nghe phổ biến công việc sắp tham gia. Nghi và các bạn sẽ gọi điện đến từng hành khách bay cùng chuyến với các bệnh nhân dương tính nCoV để thông báo về tình trạng chuyến bay cũng như hướng dẫn cách liên lạc với cơ sở y tế địa phương và những việc họ phải làm ngay lúc đó.

Trong căn phòng rộng vài chục mét vuông, Nghi cùng nhiều sinh viên tình nguyện khác bắt đầu “truy tìm” những trường hợp có khả năng lây nhiễm Covid-19 để yêu cầu họ đi cách ly. Nghi cảm thấy bị ngợp và không biết phải bắt đầu từ đâu. Ngày làm việc đầu tiên trôi qua nhanh chóng với những cuộc điện thoại không tên. Một cuộc họp nhóm rút kinh nghiệm diễn ra vào cuối ngày. 21h, cô sinh viên mới rời nơi làm việc ra về.

7h30 sáng ngày làm việc thứ 2, Nghi có mặt Nhà khách Chính phủ ở phố Hùng Vương, tiếp tục với những cuộc gọi. Nữ sinh được cung cấp một danh sách với đầy tên người, số hộ chiếu, số ghế và số điện thoại, việc của cô là gọi điện để tìm đúng người và đưa ra cho họ những khuyến cáo.

Theo Nghi, công việc này chẳng khác nào những “thám tử” đang truy tìm dấu vết của Covid-19. Mỗi hành khách là một câu chuyện khác nhau. Những cuộc truy đuổi, lục tìm thông tin cũng đủ làm cô mệt nhoài.

“Công việc nghe chừng đơn giản, nhưng lại không dễ dàng”, Nghi nói.

Không ít người cung cấp số điện thoại sai, hoặc chỉ cho địa chỉ. Nghi cùng các bạn phải lấy những thông tin đó rồi tìm kiếm trên Google. Với người nước ngoài, địa chỉ họ khai thường là khách sạn, nhà nghỉ.

“Khi chúng tôi gọi điện tới, nhân viên nói có thì tốt, nếu không lại bắt đầu tìm kiếm từ những nguồn khác”, Nghi cho hay.

Nghi và các bạn tình nguyện viên chia ca làm việc để không bỏ lỡ chương trình học trực tuyến ở trường. Ảnh: NVCC.

Có trường hợp, Nghi gọi vài chục cuộc không được, buộc phải báo cho các lực lượng chức năng ở khu vực người đó sinh sống, bằng mọi cách phải tìm ra.

“Có người nước ngoài về cho số điện thoại của con, của cháu, nhiều người thậm chí còn chẳng tin chúng tôi đến từ Bộ Y tế đang tìm kiếm người có nguy cơ nhiễm nCoV vì số điện thoại gọi đến là số cá nhân. Chúng tôi nhiều lúc phải thuyết phục người thân cho số của họ”, Nghi tâm sự.

Nghi nhớ căng thẳng nhất là lần tìm 12 du khách người Nga. Khách sạn bảo không biết, tài xế taxi nói không nhớ, mãi sau cô mới hay những du khách này đã đi Ninh Bình.

“Trường hợp này chúng tôi mất 3-4 ngày không thể tìm ra vì chẳng biết họ ở đâu mà liên lạc”, Nghi nói và cho biết buộc phải thông báo cho Ban chỉ đạo để tìm hướng giải quyết.

Buổi trưa, Nghi chỉ có một tiếng để ăn uống và nghỉ ngơi rồi lại phải bắt tay vào công việc, vì nếu không làm nhanh, nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng càng lớn. Thứ bảy, chủ nhật, Nghi sẽ tham gia được cả ngày, nhưng ngày thường, cô vẫn phải học trực tuyến nên phải chia ca.

“Học xong buổi sáng, tôi tới ngay chỗ làm việc để đổi ca cho những bạn khác về đi học”, Nghi chia sẻ.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam tới động viên các tình nguyện viên. Ảnh: NVCC.

Nhiều hôm tối về, Nghi vừa tranh thủ chợp mắt thì có cuộc gọi đến. Có hôm 1-2h sáng, cô vẫn nhận được điện thoại gọi hỏi xem trường hợp này trường hợp kia có dương tính hay không. Có lần, một du khách nước ngoài tự cách ly trong phòng khách sạn nhưng buổi tối không được ăn uống gì liền gọi điện phản ánh. Nghi liên lạc cho khách sạn mới biết nhân viên sợ, không dám lại gần phòng cách ly.

“Tôi phải giải thích cho nhân viên khách sạn để họ hiểu và mang đồ ăn cho vị khách ấy”, Nghi cho hay.

Công việc mệt nhưng trong suốt gần 10 ngày tham gia công tác chống dịch, Nghi luôn nhận được sự động viên từ những cô, bác trong Ban chỉ đạo.

“Khoảng 21h là chúng tôi được về, nhưng có những người ở Ban chỉ đạo phải ở lại làm 3-4h sáng hôm sau”, Nghi nói.

Phạm Chiểu (Ngoisao) 

Thám tử Hải Phòng st