Thám tử săn hàng mỹ phẩm “nhái” – Thám tử Giss

222

Trong hàng trăm loại mỹ phẩm thế này, bạn rất khó để nhận biết đâu là hàng thật.
“Hàng thật ít, hàng giả nhiều; hàng giả có dán tem chống hàng giả trong khi hàng thật thì không có tem này; hàng giả bán giá cao hơn hàng thật…”.

Trên đây là một trong những mánh khóe trên thị trường vừa được trình bày tại hội thảo “Hàng thật – hàng giả đối với mỹ phẩm ở Việt Nam” vừa diễn ra ở TP.HCM.

“Không cần chính xác, chỉ cần dứt khoát”!

Đây được xem là khẩu hiệu chung được ghi nhận từ thực tế do chính các nhân viên của Công ty L’Oréal Việt Nam ở một số cửa hàng “giả mạo” chính hãng đóng tại Hà Nội. Theo khẩu hiệu này, giá bán của hàng giả sẽ luôn dứt khoát (chắc giá) với người mua và thậm chí cao hơn hàng thật. Sau khi chọn được hàng, tiếp đó sẽ là thông điệp giảm giá 50% để “dụ” khách hàng mua sản phẩm! Theo bà Vũ Thị Nga – chuyên viên đào tạo ngành hàng cao cấp của L’Oréal điều lo ngại nhất là người mua chắc chắn bị lừa vì trên hàng giả họ (người bán) dán cả tem chống hàng giả trong khi hàng chính hãng hoàn toàn không dán tem này. Cầm hàng thật trên tay, người bán còn nói: Hàng không dán tem mới chính là hàng giả!

Bà Nga còn cho biết xu hướng làm hàng giả vào nhóm hàng mỹ phẩm cao cấp và hàng tiêu dùng cao cấp chứ không phải nhóm hàng rẻ tiền như trước đây. Một số mặt hàng đang được làm giả như son môi, nước hoa, kem dưỡng da, mascara, phấn má và phấn mắt…

Vô vàn cách làm hàng giả?

“Một trong những cách làm giả khó phát hiện nhất là thu mua các loại bao bì của hàng chính hãng rồi sau đó đổ nguyên liệu tự pha chế vào. Với kỹ thuật này thì ngay chính nhân viên đi kiểm tra thị trường cũng còn không phân biệt được nếu không kiểm tra chất lượng bên trong…” – bà Phan Ngọc Thanh, chuyên viên hàng tiêu dùng L’Oréal Việt Nam cho biết. Bên cạnh đó là kiểu hàng giả pha trộn, tức là dùng ruột của một sản phẩm thật phan trộn thêm các nguyên phụ liệu để thành vài sản phẩm mới. Một loại hàng giả khá phổ biến nữa là làm giả sản phẩm đã không còn sản xuất nữa, không còn lưu hành, kiểu giả này thường xảy ra ở các mặt hàng có giá rẻ hơn.

Một trong những cách phân biệt nước hoa thật – giả

Đặc biệt, hàng giả luôn được chào bán với giá cao hơn hàng thật! Ví dụ, một chai nước hoa hiệu Lancôme dung tích 75 ml, hàng thật có giá 1,6 triệu đồng; hàng giả được rao bán 1,8 triệu đồng nhưng khách hàng rất dễ bị lừa vì hàng được giảm giá 50%, chỉ còn 900.000 đồng. Với nhóm hàng giả này, ngoài tem dán chống hàng giả (tất nhiên là tem lậu), sản phẩm vẫn có in đầy đủ mã code, mã vạch của nhà sản xuất… Thậm chí hàng giả sử dụng công nghệ in cao cấp hơn cả hàng thật!

Một số mẹo phân biệt hàng giả – hàng thật?

Có lẽ hậu quả của việc sử dụng hàng giả thì ai cũng biết, đầu tiên là mất tiền, sau đó là ảnh hưởng đến sức khỏe. Do đó, việc đầu tiên khuyên bạn là nên đến các cửa hàng chính hãng. Dưới đây là một số mẹo nhỏ giúp bạn tránh mua phải hàng giả:

– Phân biệt trên vỏ bao bì: Bao bì hàng thật in sắc nét, mã code hay mã vạch được in đầy đủ, tất cả các thông tin được in rõ ràng và không có các lỗi sai chính tả; màu sắc và độ bóng của giấy đẹp.

– Phân biệt trên bao bì sản phẩm: Vỏ nhựa (thủy tinh) của sản phẩm bóng, đẹp, sắc nét và tinh xảo; logo cũng như các chữ viết trên đó sắc cạnh, không lem nhem và dây mực; các đường viền, nét cạnh, gờ của vỏ nhựa (thủy tinh) được cán sắc sảo.

– Phân biệt trên sản phẩm: Màu sắc của sản phẩm phải thấy mới, tươi mát; nhìn bằng mắt thường, màu sắc chất liệu kem phải có độ bóng, không bị xỉn, đục màu; khi ngửi mùi sản phẩm tuyệt đối không có mùi khét hoặc mùi dầu cũng như không quá thơm nồng nặc để át đi mùi hóa chất. Thường các sản phẩm thật có mùi thơm nhẹ nhàng và phảng phất dễ chịu, không gây sốc khi ngửi; màu sắc của kem dưỡng da phải mịn màng như cream và trắng như sữa, xốp và thẩm thấu cũng như lan tỏa rất nhẹ nhàng trên da, không bết dính.

Nhiều chị em đã phải đi cấp cứu do dùng phải những mỹ phẩm giả này

– Thường kem giả, màu của sản phẩm dưỡng da trắng đục, vàng đục và bết dính, không xốp nhẹ, nặng và thoa lên không thẩm thấu nhanh. Son giả thường màu sắc rất xỉn, tối và không có nhiều độ ẩm, khi thoa lên tay thử rất khô và mùi thơm mạnh để át chất liệu sáp rẻ tiền (chất tạo nên son).

– Phấn giả màu sắc rất rõ ràng xấu, mùi thơm rất mạnh, thoa lên khô và bị vón cục, nước và bột đôi khi tách rời nhau, không dàn đều được, độ bám dính chặt và dày lên da.

– Nước hoa giả có màu vàng (do pha chế alcohol và tinh dầu rẻ tiền) cũng như đôi khi có màu trắng và không có bọt của alcohol khi dốc ngược chai để kiểm tra, lúc đầu xịt lên mùi rất nặng và nồng nhưng nhanh bay hơi nên không giữ mùi lâu…

Thám tử  Giss Hải Phòng – Theo nguồn tin của Báo Pháp Luật