Khi bố mẹ là “thám tử” – (Thám tử Hải phòng)

367

Ngày… tháng… năm…

Con thật sự sốc! Tại sao mẹ lại xem lén nhật ký của con chứ? Con có bao giờ lục lọi đồ đạc của mẹ đâu? Con xé cuốn sổ trước mặt mẹ để mẹ biết rằng mẹ đã làm con thất vọng dường nào!

Ngày… tháng… năm…

Mẹ cũng thật sự sốc! Tại sao con lại vô lễ trước mặt mẹ? Tại sao con không tự hỏi rằng mẹ xem nhật ký của con là để làm gì? Nếu không đọc nó, mẹ đâu biết con đã từng giận bố, đâu biết rằng con đang lo lắng về “chuyện đó” lúc con ở tuổi dậy thì.

Và nếu không có quyển nhật ký này, mẹ cũng đâu biết được bạn bè của con đã chơi xấu ra sao, những tình cảm đầu đời của con, kể cả chuyện con bỏ không ăn cơm vì con phản đối mẹ xen vào chuyện bạn bè… Mọi điều mẹ làm đều vì con! Vậy tại sao mẹ không có quyền xem chứ?

Ngày… tháng… năm…

Có bao giờ mẹ muốn giữ điều gì đó cho riêng mình không hở mẹ? Có bao giờ mẹ muốn người khác xem nhật ký của mẹ hay không? Mẹ sẽ thấy thế nào nếu những tâm sự thầm kín nhất của mình bị người ta vạch trần như vậy? Thì ra những lời mà mẹ nói, những câu chuyện mà mẹ kể trước kia là do mẹ chế biến từ những gì mẹ đã đọc được trong nhật ký của con. Tại sao mẹ không chịu hiểu con mà phải xem trộm nhật ký của con chứ?

Ngày… tháng… năm…

Nhưng con có bao giờ kể những điều đó cho mẹ? Con có thể điện thoại, nhắn tin, “chát chít” với bạn hàng giờ nhưng tại sao con không tâm sự với mẹ lấy vài câu? Kể từ khi con lên lớp 8, con bắt đầu ít chuyện trò với mẹ. Để biết được những gì đang diễn ra trong đời sống của con, bắt buộc mẹ phải xem nhật ký. Chính con đã ép mẹ vào tình thế như thế này…

Ngày… tháng… năm…

Làm sao con có thể kể được từ khi mẹ mắng như tát nước vào mặt khi con đem chuyện tình cảm đầu tiên trong cuộc đời của con tâm sự với mẹ? Mẹ có hiểu gì con đâu! Kể với mẹ chỉ được những câu trách mắng, dò hỏi. Chính mẹ đã ép con vào tình thế như thế này… Từ nay con sẽ không viết nhật ký nữa.

Khi “đất thiêng” bị xâm phạm

Câu chuyện bị đọc lén nhật ký của cô bé học trò ở trên không phải là hiếm.

Chuyện xem trộm nhật ký, đọc lén tin nhắn trong điện thoại, điều tra xem trẻ đang chat với ai, trò chuyện với người nào… là những việc làm thường xuyên của nhiều bậc phụ huynh. Những hành động đó thường dẫn đến những phản ứng quyết liệt từ con cái.

Khi con đến tuổi thiếu niên, giữa bố mẹ và con bắt đầu xuất hiện những “dấu cách”. Con ngày càng ít nói chuyện với bố mẹ, phụ huynh ngày càng ít nắm thông tin về đời sống của con. Từ đó, các bậc cha mẹ bắt đầu lo lắng, tìm cách “điều tra” trẻ.

Theo các nhà tâm lý học, hiện tượng này do hai nguyên nhân chính:

Thứ nhất, đến tuổi dậy thì, do sự phát triển “bùng nổ” của cơ thể và “bước nhảy” về trí tuệ, trẻ bắt đầu xuất hiện cảm giác mình là người lớn. Mong muốn cha mẹ xem mình như là người trưởng thành thật sự đã trở thành “khát vọng” của lứa tuổi ấy.

Tuy nhiên, bố mẹ vẫn ít thay đổi trong cách ứng xử với con theo chiều hướng tôn trọng và bình đẳng. Đứa trẻ không thỏa mãn. Từ đó dẫn đến ba xu hướng phản ứng của trẻ: xung đột (cứng đầu, cãi lời), khép cửa (ít tâm sự, kín như bưng, trò chuyện với nhật ký, blog…), tự ý hành động (kèm theo nói dối, nếu cần thiết).

Thứ hai, khi người lớn không thỏa mãn nhu cầu “được tôn trọng” của mình, trẻ sẽ tìm đến những người đồng đẳng – những người xem nhau như là người lớn, đó chính là bạn bè. Trong nhóm ấy, trẻ được tự khẳng định, thể hiện lập trường, hoàn toàn tự điều khiển mối quan hệ giao tiếp với bạn. Bạn bè chính là vùng trời riêng tư và “độc quyền” của trẻ.

Khi thấy con ngày càng ít tâm sự với mình mà thay vào đó là “vươn” ra “bắt rễ” với bạn bè, bố mẹ càng lo lắng và can thiệp vào các mối quan hệ ấy. Đối với trẻ, đó là một hành động xâm phạm “vùng đất thiêng liêng” một cách thô bạo.

Làm “quyển nhật ký” của con, bố mẹ nhé!

Phải chăng chỉ có cách xem trộm nhật ký, điện thoại… mới hiểu được con? Câu trả lời là chắc chắn không. Vì nếu cha mẹ có thái độ đúng, con sẽ tin tưởng và tự tìm đến cha mẹ để bộc lộ.

Thái độ đúng là tôn trọng khi đặt câu hỏi. Hỏi đúng lúc và không quá tỏ ra nóng lòng. Không nóng vội rầy la trẻ ngay cả khi bạn đang rất lo lắng.

Thái độ đúng là dẹp bỏ vị thế quyền hành của cha mẹ trong lúc lắng nghe, đặt mình vào vị trí trẻ, “chừa đất sống” cho sự đồng cảm nảy nở.

Khi đã hiểu con, bố mẹ nên giúp con giải quyết vấn đề qua đối thoại hơn là độc thoại. Tức là cùng con tìm cách tháo gỡ thay vì “chỉ đạo” một chiều, là nhà “tham vấn” hơn là lãnh đạo.

Sau đó, bạn hãy lùi về vị trí của mình và quan sát từ xa, để con mạnh dạn, tự giải quyết vấn đề của nó. Bạn đừng vội chạy đến xuýt xoa khi con bạn thất bại. Hãy cho phép con vấp ngã để biết tự đứng dậy bằng chính sức lực của mình.

Hãy tin tưởng con, con sẽ đáp lại sự tin tưởng. Tôn trọng những ranh giới riêng tư của con, cho con một khoảng trời riêng để thở và khôn lớn. Đừng để con mãi mãi “núp bóng” mẹ cha.

Điều gì làm trộm sau lưng người khác, kể cả một đứa trẻ, cũng không nên. Không ai thích bị thám tử theo dõi. Cũng không ai dễ chịu khi bị điều tra, thẩm vấn. Thay vì là thám tử, bố mẹ hãy là quyển nhật ký của con để con sẻ chia mọi nỗi niềm của tuổi mới lớn!

Thạc sĩ tâm lý NGUYỄN HOÀNG KHẮC HIẾU (giảng viên ĐH Sư phạm TP.HCM)

Theo TTO