Ai thay ông Calisto – Thám tử Hải Phòng

515

Trước sức ép của dư luận, VFF cũng đã nghĩ đến giải pháp sẽ thay thế HLV Calisto bằng một ông thầy mới. Hôm qua, VFF đã có 2 cuộc tiếp xúc bí mật với HLV Riedl (Indonesia) và Rajagobal (Malaysia). Sau khi tính lui tính tới, VFF vẫn chưa thể quyết ai sẽ ngồi vào ghế thuyền trưởng bởi mỗi người có một vị thế và mặt mạnh riêng.

1. Một quan chức cao cấp VFF phân tích yếu mạnh của hai ông thầy, tất nhiên cả cái lợi nếu ký hợp đồng với ai: “HLV Riedl đang mang một phần cơ thể của người Việt. Bản thân ông luôn coi VN là quê hương thứ 2. Ông đã ăn dầm ở dề và hiểu BĐVN thậm chí còn hơn cả HLV Calisto, ở góc độ đến VN sớm hơn. Cuối cùng, nếu ký hợp đồng với Riedl vẫn đảm bảo 2 tiêu chí: nếu không nên cơm cháo gì thì nói lời chia tay dễ hơn. Mức lương có thể rẻ hơn HLV Calisto. Mặt khác, giờ có mời Jose Mourinho thì cũng khó thay đổi BĐVN”.

Với HLV Rajagobal, vị quan chức VFF phân tích: “Cái hay của HLV này, dù không một lần dẫn dắt các ĐTQG VN, nhưng bắt thóp và bắt bài bóng đá VN quá siêu. Không siêu khi thấy ông cứ lử đử lừ đừ, nhưng 2 năm qua đã khiến BĐVN khóc hận cả hai cấp: SEA Games 25 và AFF Suzuki Cup 2010. Điều đó chứng tỏ ông quá hiểu BĐVN, nhất là ở góc độ hóa giải và chỉ ra những nhược điểm chí tử của quân ta. Nếu kí hợp đồng, có thể mức lương còn được giảm so với Calisto và Riedl”.

Có điều, theo vị lãnh đạo VFF, nếu chúng ta ký hợp đồng với HLV có điệu bộ như “nông dân” này thì có gì đó không thoải mái, bởi bóng đá VN đang đường đường được tấn phong phát triển nhất nhì khu vực, sở hữu giải VĐQG số một Đông Nam Á, ngay cả bảng xếp hạng của FIFA tháng 12 vẫn đứng trên Malaysia, nên nếu mời một ông thầy người Malaysia về dẫn dắt ĐTQG sẽ không khỏi bị dư luận đàm tiếu.

Được kỳ vọng nhiều nhưng HLV Calisto vẫn chưa thể đưa BĐVN vươn ra khỏi tầm khu vực

2. Đấy là một câu chuyện giả tưởng, thi thoảng những người làm báo thể thao chúng tôi sử dụng như một phương thức chuyển tải suy cảm của mình trước những sự kiện dở khóc dở cười rất hay xảy ra với bóng đá VN. Thực tế, sau thất bại với những biểu hiện chạm giới hạn của HLV Calisto (trước đó thua Malaysia trận chung kết SEA Games 25), chắc chắn VFF cũng đã phải nghĩ: có nên sa thải HLV Calisto? Nhưng, cũng chắc một điều họ gặp phải đau đầu: ai sẽ thay HLV Calisto? Người mới đến có khả dĩ hơn, nhất là khi bài học Bryan Robson của Thái Lan vẫn còn nóng hổi.

2 đội bóng vào chung kết với 2 ông thầy đã nói lên sự ngang trái của bóng đá khu vực: HLV Riedl, người đã được Việt Nam hóa và bị coi là chuyên gia về nhì, và Rajagobal, HLV bản địa Malaysia.

Nếu HLV Riedl đưa Indonesia vô địch (không có lý do gì để cản trở giấc mơ đó với một lực lượng và khát khao như thế), thì giá trị thầy ngoại, đến từ nền bóng đá tiên tiến, vẫn hữu dụng. Còn, nếu Malaysia đăng quang, thì cũng không lạ bởi Thái Lan đã bao lần chạm nguyệt quế với HLV trong nước cầm quân.

Đến đây, có thể thấy bức tranh toàn cảnh của bóng đá Đông Nam Á, thoạt nhìn có vẻ đổi mới, nhưng kỳ thực sự chuyển dịch đó chỉ mang tính hoán đổi trong phạm vi hẹp, kể cả vai trò của HLV trưởng. Hay nói cách khác, đấy là sự ban phát của may mắn, khi HLV này có thể bê bết ở quốc gia này, nhưng sẽ tỏa sáng ở đất nước khác. Tất nhiên, giá trị đó khu biệt ở nhóm được coi đại gia (Thái Lan, Việt Nam, Indonesia, Malaysia).

Thế nên, lúc này, hẳn VFF thừa hiểu, có thay HLV Calisto thì cũng không hy vọng ông thầy khác sẽ đưa BĐVN thăng hoa. Vấn đề của cái ghế thuyền trưởng các ĐTVN có lẽ nằm ở chỗ đó.

Thám tử  Giss – Theo tin văn hóa- thể thao